Việc chuẩn bị mâm cúng tất niên ngày Tết Cổ Truyền là một trong những việc cần được chú trọng về tính chỉnh chu và trang trọng. Mâm cúng Tất Niên không chỉ đa dạng về hình thức và số lượng món ăn mà còn đa dạng trong cách sử dụng nguyên liệu chay, mặn hoặc kết hợp cả hai. Với tư tưởng ăn chay để tránh sát sanh, mong muốn những điều tốt lành và cầu mong một năm mới bình an nên nhiều gia đình chọn các món chay để làm mâm cúng tất niên. Trong bài viết này dothothinhvuong sẽ hướng dẫn các bạn cách chuẩn bị mâm cơm chay cúng tất niên chuẩn và chi tiết nhất.
Ý nghĩa mâm cơm chay cúng tất niên
Ở các nước Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thì Tất Niên là ngày cuối cùng của năm âm lịch.
Với văn hóa Phương Tây thì Tất Niên là vào ngày 30 tháng 12 Dương Lịch.
Cúng tất niên cuối năm là buổi lễ truyền thống của người Việt, nếu được cúng bằng mâm cơm chay sẽ rất có ý nghĩa và phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng tâm linh tại Việt Nam.
Lễ này là để toàn thể gia đình tụ họp cùng nhìn lại một năm cũ đã làm được những gì và chào đón năm mới với nhiều niềm vui, may mắn.
Lễ tất niên là cuộc tụ họp đầy đủ nhất trong năm với các món ăn truyền thống. Trong buổi lễ này mọi người cười nói vui vẻ để xua tan đi những nhọc nhằn, khó khăn, vất vả của năm cũ.
Với người dân Việt Nam thì lễ Cúng Tất Niên là để thể hiện sự tri ân với Thần, Phật, gia tiên… chứ không hoa mỹ, cầu kỳ. Các lễ vật cúng cũng rất giản dị và gần gũi với con người Việt Nam.
Tại Sao lại làm mâm cơm chay cúng tất niên
Ngày nay rất nhiều người lựa chọn các món chay cho mâm cúng tất niên, với quan niệm rằng ăn chay để tránh sát sinh, hướng đến những điều thiện lành, cầu mong một năm mới bình an và may mắn.
Do nước ta có nhiều tôn giáo khuyến khích ăn chay như (Đạo Phật, Đạo Cao Đài…). Nên vào ngày tất niên những gia đình này sẽ chuẩn bị mâm cơm chay để cúng.
Mâm cơm chay cúng tất niên cũng có ý nghĩa là tăng thêm phúc phần cho con cháu.
Mâm lễ cúng tất niên chay thể hiện nét hướng thiện, hiền hòa trong văn hoá của người Việt.
Mâm lễ cúng chay ngày tất niên còn có ý nghĩa tăng việc phước đức, cầu mong gia đình sẽ giàu sang, hạnh phúc sau này nhờ hưởng phước.
Thêm vào đó ăn chay cũng là cách thanh lọc cơ thể, giúp tránh được những món ăn nhiều dầu mỡ trong dịp tết.
Mâm cơm chay cúng tất niên gồm những gì?
Tùy theo điều kiện của từng gia đình và tập tục văn hoá của từng vùng miền mà mâm cơm chay cúng tất niên sẽ được chuẩn bị khác nhau. Tuy nhiên, thông thường mâm cơm chay tất niên sẽ có những món cơ bản sau:
- Xôi gấc đậu xanh
- Miến xào thập cẩm
- Tàu hủ (đậu hũ) kho rau củ:
- Giò lụa chay
- Chả giò chay chiên
- Rau củ xào thập cẩm
- Canh nấm ngũ sắc
- Tàu hủ (đậu phụ) cuốn lá lốt
- Chè đậu xanh hạt sen
Ngoài những món ăn trên thì mâm cúng chay tất niên cuối năm cũng cần chuẩn bị thêm những lễ vật sau:
- Bánh kẹo.
- Trầm hương để trừ tà khí.
- Giỏ ngũ quả.
- Hoa tươi cúng.
- Nhang.
- Đèn cầy
- Trà, rượu.
- Muối gạo.
- 1 Bộ trầu cau.
Cách chế biến một số món chay cơ bản cúng tất niên
Xôi gấc đậu xanh
Nguyên liệu cần có:
- Gạo nếp cái hoa vàng
- Đậu xanh
- Đường, vừng
- Gấc
Cách làm xôi gấc đậu xanh:
- Để làm xôi gấc với đậu xanh, trước hết bạn cần ngâm gạo nếp cái hoa vàng và đậu xanh qua đêm, rồi sau đó vo sạch, để ráo nước rồi trộn 3 thìa cà phê muối.
- Sau khi mua gấc về, bạn cần bổ gấc làm đôi, dùng muỗng lấy hết phần ruột đỏ và cho thêm một ít rượu trắng vào sau đó dùng tay bóp đều gấc để tách hạt ra..
- Tiếp theo trộn đều gạo với gấc đến khi màu đỏ đều là được.
- Cho nước vào chõ rồi đun sôi lên, sau đó cho gạo nếp đã trộn vào. Rồi đun trong lửa lớn khoảng 35 đến 40 phút. Khi xôi chín rắc một chút đường, khoảng 3 4 thìa dầu ăn vào trộn đều. Đậy nắp lại tầm 10 phút cho chín đều.
- Tiếp theo, đưa phần đậu xanh đã để ráo vào nồi chín trong vòng 25 phút. Khi đậu xanh còn nóng, sử dụng thìa để miết cho đến khi đậu xanh nhuyễn mịn. Sau đó, thêm một chút đường cho vừa miệng và đun nhỏ lửa cho đến khi đậu đặc lại thì tắt bếp để nguội.
- Để tạo hình xôi gấc được đẹp cần phải đóng xôi gấc đậu xanh vào khuôn. Đầu tiên lần lượt cho một lớp xôi, rồi tiếp đến 1 lớp đậu vào khuôn, lớp cuối cùng là lớp xôi. Sau đó nén chặt lại và đổ ra đĩa.
Miến xào thập cẩm.
Nguyên liệu cần có:
- Miến
- Tỏi băm
- Cà rốt bào sợi
- Vừng rang, dầu mè
- Cải bó xôi
- Nấm mỡ
- Nấm đùi gà
- Muối, bột ngọt, hạt nêm chay…
Cách làm miến xào thập cẩm:
- Ngâm miến vào nước ấm đến khi mềm thì cắt khúc vừa ăn, sau đó rửa sạch, để ráo nước.
- Rửa sạch nấm mỡ và nấm đùi gà rồi thái lát vừa ăn.
- Rửa sạch cải bó xôi, có thể luộc qua rồi để ráo nước.
- Trộn đều miến với dầu mè và 1 thìa hạt nêm chay.
- Xào đều nấm mỡ, nấm đùi gà và cà rốt trong một chảo cho đến khi chúng hơi săn lại thì cho miến vào đảo đều trong vòng 5 phút. Tiếp theo, thêm cải bó xôi vào, đảo thêm khoảng 1 phút trước khi tắt bếp.
- Đổ miến ra đĩa rồi rắc vừng rang lên trên, thêm vài cọng rau mùi lên đĩa cho bắt mắt.
Tàu hủ (đậu hũ) kho rau củ
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Tàu hủ
- Cà rốt
- Củ cải
- Muối,
- Xì dầu
- Khổ qua
- Nấm hương
- Tỏi băm
- Hạt tiêu, nước màu
Cách làm tàu hủ kho rau củ:
- Cắt đậu thành miếng vừa ăn, sau đó chiên vàng đều các mặt.
- Lột vỏ cà rốt và củ cải, sau đó rửa sạch và thái thành miếng vừa ăn.
- Bỏ ruột khổ qua, rửa sạch và thái thành miếng vừa ăn.
- Rửa sạch nấm hương, sau đó ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút.
- Đặt các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi, thêm gia vị và một ít nước lọc, sau đó đun ở lửa nhỏ khoảng 20 phút.
Giò lụa chay
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Tàu hủ ky tươi.
- Hành boa-rô.
- Lá chuối miếng ngang 15 cm.
- Dây lạt tre.
- Dầu ăn.
Cách làm giò lụa chay:
- Hành boa-rô được rửa sạch, cắt lát và phi thơm với dầu nóng.
- Tàu hủ ky rửa sạch bằng nước ấm, vắt nhẹ để ráo nước.
- Trộn tàu hủ ky với 2 muỗng dầu chiên hành boa-rô, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm và 1/2 muỗng cà phê tiêu hạt.
- Chuẩn bị 2 tấm lá chuối đã rửa sạch, đặt lên mặt phẳng rộng, cho tàu hủ ky vào 1 góc của lá chuối, sau đó cuộn lại thật chặt tay.
- Sử dụng dây lạt tre để buộc chặt quanh giữa thân và 2 đầu giò để đảm bảo đòn chả chắc và kín.
- Xếp chả lụa chay vào nồi hấp, đun ở lửa vừa trong khoảng 3 tiếng cho đến khi chả lụa chay được hoàn thành.
Chả giò chay chiên
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Khoai môn
- Nấm mèo khô
- Củ sắn
- Đậu xanh không vỏ
- Bánh tráng bía
- Tàu hủ ky chiên giòn
- Cà rốt
- Bột mì, dầu ăn, muối, đường
Cách làm chả giò chay chiên:
- Khoai môn, cà rốt, củ sắn được rửa sạch và thái sợi, sau đó ngâm nấm mèo cho nở rồi cắt nhuyễn.
- Tàu hủ ky chiên giòn trên chảo nóng.
- Hấp chín đậu xanh.
- Để làm nhân chả giò, trộn khoai môn, cà rốt, nấm mèo, tàu hủ ky và đậu xanh với ít bột mì, muối và đường.
- Để gói chả giò, bắt đầu bằng việc trải miếng bánh tráng lên mặt phẳng, đặt một lượng nhân ở giữa và cuộn lại từng vòng cho đến khi gói xong hết nguyên liệu.
- Đun dầu ăn với lửa vừa, sau đó chiên chả giò đến khi chín vàng giòn. Vớt chả giò ra để ráo dầu và thưởng thức.
Rau củ xào thập cẩm
Nguyên liệu cần có:
- Cà rốt
- Đậu Hà Lan
- Hành lá
- Dầu ăn
- Súp lơ xanh
- Nấm hương
- Ớt chuông
- Hành tây
- Súp lơ trắng
- Bắp non
- Hành tím
- Nước tương, hạt nêm chay
Cách làm rau củ xào thập cẩm:
- Chia bắp làm đôi theo chiều dọc và rửa sạch.
- Tước vỏ đậu Hà Lan, cắt làm đôi.
- Rửa sạch súp lơ xanh và súp lơ trắng, bỏ cuống, cắt rời từng nhánh bông cải, sau đó luộc sơ qua và để ráo nước.
- Gọt vỏ cà rốt, cắt đôi và sau đó thái thành lát mỏng.
- Ngâm nấm hương với nước ấm cho nở, rửa lại với nước sạch và thái đôi nấm.
- Bỏ ruột ớt chuông, rửa sạch và thái miếng vừa ăn.
- Bỏ gốc của hành lá, rửa sạch và thái khúc nhỏ.
- Bóc vỏ hành tây, thái miếng vừa ăn.
- Băm nhỏ hành tím, phi thơm trên chảo nóng.
- Cho cà rốt, bắp non, súp lơ xanh, súp lơ trắng vào xào đều. Khi gần chín, cho thêm nấm hương, ớt chuông, đậu Hà Lan và hành tây vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Trong quá trình xào, thêm một chút nước để rau củ không bị khô và dính chảo.
- Cuối cùng, thêm hành lá vào đảo đều và tắt bếp.
Canh nấm ngũ sắc
Nguyên liệu cần có:
- Nấm rơm
- Nấm đông cô
- Tàu hủ
- Cà rốt
- Bạch quả
- Đậu hà lan
- Hành, ngò để trang trí
- Củ cải trắng
- Gia vị: đường, muối, bột ngọt, hạt nêm chay, tiêu xay…
Cách làm canh nấm ngũ sắc:
- Gọt sạch vỏ cà rốt, củ cải rồi rửa sạch và thái thành khoanh tròn hoặc tỉa hình hoa tùy ý rồi ngâm trong nước lạnh.
- Tước bỏ xơ đậu hà lan, sau đó rửa sạch và để ráo nước trong rổ.
- Nấm đông cô được sơ chế bằng cách cắt chân và rửa sạch, để ráo nước.
- Rửa sạch tàu hũ và thái hạt lựu.
- Bạch quả được rửa sạch và để ráo nước.
- Tiếp theo phi thơm hành tím trên chảo nóng sau đó cho cà rốt, bạch quả và củ cải vào xào chung. Cho lượng nước vừa đủ vào đun sôi.
- Khi nước sôi, thêm lần lượt tàu hủ, đậu Hà Lan và nấm đông cô vào nồi. Nêm nếm gia vị theo khẩu vị gia đình.
- Khi đã nêm nếm vừa ăn, thêm nấm rơm vào đun trong khoảng 2 phút. Tắt bếp và thêm hành lá, rau ngò và tiêu xay vào là hoàn thành.
Tàu hủ (đậu phụ) cuốn lá lốt
Nguyên liệu cần có:
- Tàu hủ
- Nấm hương, mộc nhĩ
- Hạt nêm chay, dầu ăn
- Lá lốt
- Gia vị: Xì dầu, muối, đường, dầu ăn
Cách làm lá lốt cuốn tàu hủ:
- Ngâm mộc nhĩ cho nở ra, sau đó thái thành sợi. Ngâm nấm hương, cắt bỏ chân, sau đó thái nhỏ. Thái sợi 1 ít lá lốt.
- Xào nấm hương và mộc nhĩ với lửa nhỏ cho đến khi chín và thơm.
- Trộn đều nấm hương, mộc nhĩ, tàu hủ nghiền nhuyễn và lá lốt thái sợi với hạt nêm.
- Dùng lá lốt còn nguyên để trải trên thớt, đặt mặt lá xanh lên phía trên để khi cuốn sẽ có màu sắc đẹp mắt hơn. Sau đó, thêm phần nhân lên trên lá lốt và cuốn lại đều tay.
- Sau đó cho vào chảo rán hoặc nướng để tạo mùi thơm thêm hấp dẫn.
Chè đậu xanh hạt sen
Nguyên liệu cần có:
Đậu xanh.
Hạt sen.
Bột sắn.
Đường.
Vani hoặc dầu dừa.
Cách làm chè đậu xanh hạt sen:
Ngâm đậu xanh khoảng một tiếng rồi rửa sạch. Rửa sạch hạt sen tươi. Tiếp đến cho đậu và hạt sen vào nồi ninh trong khoảng 45 phút. Khi đậu và hạt sen đã nhừ thì cho bột sắn đã hoà tan vào, khuấy đều.
Cho đường vào nồi khuấy đều đến khi đường tan thì tắt bếp. Có thể cho thêm một ít vani hoặc dầu dừa vào để nồi chè thơm hơn.
Những Lưu ý Trước Khi làm Mâm cơm chay cúng tất niên
- Dọn dẹp sạch sẽ không gian thờ cúng.
- Sử dụng bộ bát đĩa hoa mặt trời để tăng thêm tính thẩm mỹ cho mâm cơm
- Mở hết cửa sổ, cửa chính và bật hết đèn trong nhà lên.
- Thành viên trong gia đình phải giữ tâm trạng tươi vui, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
- Khi cúng tất niên thì nên tránh xảy ra xung đột.
- Đặc biệt không được thiếu các lễ vật trên mâm cúng.
» Cách chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ ba miền Bắc, Trung, Nam
» Cửu huyền Thất Tổ Là Gì? Cách Chuẩn Bị Mâm Cơm Cúng Cửu Huyền Thất Tổ
Hình ảnh một số mâm cơm chay cúng tất niên đơn giản
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 1
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 2
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 3
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 4
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 5
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 6
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 7
Thực đơn mâm cơm chay cúng tất niên 8
Thông qua bài viết trên của Đồ Thờ Thịnh Vượng, hy vọng rằng bạn có thể tạo nên một mâm cúng chay tất niên thật thịnh soạn, đầy dinh dưỡng và ngon miệng. Chúc bạn và gia đình có một năm mới sung túc, khỏe mạnh và bình an!